CẮT NGHĨA TỪ HÀN- LẠNH

CẮT NGHĨA TỪ HÀN- LẠNH
 Hàn là chủ khí của mùa đông, nhất là sau lập đông và trước giao xuân thì ở Miền Bắc rất lạnh. Ở Miền trong của nước ta hay về mua hè của Miền Bắc thi thoảng cũng gặp người bị ốm do hàn vì điều hoà tủ lạnh phổ biến quá.

Theo tây học hay Tây y thì họ không suy xét quá sâu và không quá để ý về cái lạnh này. Còn theo kinh nghiệm các cụ và theo đông y thì rất coi trọng.

 

 Theo đông y Hàn khí cùng với phong, thử, thấp, táo, hoả trong tự nhiên luân chuyển quanh năm là để nuôi dưỡng con người, chứ bản thân nó vốn không có tội.

Một khi Hàn khí thái quá hoặc đến sai thời điểm, hoặc xâm tập vào chỗ yếu hại thì mới gây bệnh. Khi gây bệnh thì người ta phân ra làm 2 loại chính là :

+Ngoại Hàn ( Hàn nhiễm vào từ bên ngoài) : Hàn khí khi xâm nhập cơ thể, ban đầu sẽ bó ở vệ biểu ( lớp dương khí bảo vệ bên ngoài cùng cơ thể, tựa như lính gác cổng thành) làm cho lớp vệ khí này bị uất, dinh huyết cũng bị ngưng kết bên ngoài, sinh ra các triệu chứng ban đầu như sợ lạnh ớn lạnh phát sốt, không ra mồ hôi được, đau đầu đau cổ vai gáy, đau người, lưng hay các khớp đau mỏi ê ẩm....

     Nếu không xử lý kịp thời để phát tán nó ra ngoài cơ thể, hàn tà sẽ đi vào kinh lạc, gây tắc trở kinh lạc, gây ra hàng loạt chứng bệnh biểu hiện ra chủ yếu là đau, hoặc nó đi vào các khớp, lưu đọng lại ở cân cốt, lâu ngày khí bệnh lan đến huyết, hàn ngưng huyết bế, gây các chứng tê bì, bệnh thấp khớp đau nhiều sợ lạnh ...

+và Nội Hàn( hàn sinh ra từ bên trong ): Khi dương khí suy yếu, hàn tà thường dễ dàng xâm nhập từ ngoài vào trong thậm chí không cần kinh qua các lớp bảo vệ bên ngoài mà trúng thẳng vào trong sâu gây bệnh. Những người thể trạng dương hư này thường thấy bình thường sắc mặt nhợt nhạt, môi nhợt nhạt, hay sợ lạnh tay chân lạnh, ăn kém đại tiện nhão nát, lưỡi nhạt nhợt non bệu, mạch trầm mà tế, thích ăn uống đồ ấm nóng, hay thống kinh đau quặn muốn chườm ấm...

 Nhiều người hỏi  tại sao lại có thể trạng dương hư? hoặc là do bẩm thụ sinh ra đã thế, hoặc do lúc nhỏ lúc trẻ không giữ gìn, tiêu hao phá quá độ, ăn uống đồ lạnh quá nhiều, hoặc uống các loại thuốc, trà, lá có tính lạnh mát lâu ngày tổn thương dương khí. ( dân VN ta có cái tệ đoan là cứ gì mát là thích bất kể thể trạng có hợp hay không ) 
Dương khí cơ thể yếu đuối chủ yếu thấy ở tạng tỳ và tạng Thận gây ra hai chứng bệnhtrung châu hư hàn ( trung tiêu hư hàn,tỳ dương hư...nhiều tên gọi khác nhau) với biểu hiện: người lạnh thích ấm, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt nhạt trắng bệch, hay mệt mỏi uể oải, đại tiện nhão nát... và "mệnh môn hoả suy" ( hay gọi thận dương hư) với biểu hiện cũng tay chân lạnh, yếu sinh lý, giảm ham muốn, đau lưng mỏi gối sợ lạnh, xuất tinh sớm, tiểu ít phù thũng hoặc tiểu nhiều ....

Riêng cái ngoại Hàn lại có thương hàn và trúng hàn khác nhau. Khi hàn tà tổn thương cơ biểu (da lông ,cơ nhục,lớp bên ngoài cơ thể) thì ta hay gọi là thương hàn, còn hàn tà trực trúng vào sâu trong, tổn thương tạng phủ (vd ăn đồ lạnh, uống các thuốc tính hàn mạnh ngay lập tức gây đi ngoài, nôn thốc nôn tháo...) thì gọi là trúng hàn. Nội hàn thì thường do dương khí của cơ thể suy yếu mà sản sinh. Hai cái nội hàn ngoại hàn đó tuy khác nhau nhưng lại rất khăng khít ảnh hưởng đến nhau. 

VD: Hàn bên ngoài sau khi xâm nhập cơ thể, tích lâu ngày không tán đi được, sẽ tổn thương dương khí mà dần sinh nội hàn, ngược lại cái anh thể trạng dương hư lại rất hay sợ lạnh và hay bị lạnh bên ngoài tấn công, khi bị các loại tà khí khác tấn công cũng hay có chiều hướng hàn hoá...
     
  Trên đây là ảnh hưởng của hàn tà đến cơ thể nói chung, tôi chỉ nói sơ lược hạn chế dùng các từ ngữ chuyên môn cho dễ hiểu.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận