Thai nhi tuần thứ 10
BÀI VIẾT TRƯỚC: THAI NHI TUẦN THỨ 9
Trong giai đoạn thai nhi 10 tuần tuổi này, bé đã phát triển gần đầy đủ. Nếu trong những tuần trước mẹ đã ốm nghén quá nhiều thì cũng đừng lo lắng, bắt đầu từ bây giờ các triệu chứng ốm nghén sẽ giảm dần và mẹ sẽ sớm ngon miệng trở lại.
Sự phát triển của thai nhi
Vào tuần thai thứ 10, bé dài khoảng 4cm và đã phát triển gần đầy đủ. Tay bé sẽ sớm xòe ra và nắm lại thành nắm đấm, những chồi răng nhỏ đang bắt đầu xuất hiện dưới nướu và một số xương của bé đang bắt đầu cứng lại.
Những động tác co duỗi nhẹ nhàng của bé giống như múa ba lê trong nước. Bé sẽ thực hiện những động tác này thường xuyên hơn khi cơ thể bé lớn lên, phát triển và có nhiều chức năng hơn. Bạn sẽ không cảm nhận được những trò nhào lộn của bé trong một, hai tháng nữa cũng như những tiếng nấc xảy ra khi cơ hoành của bé hình thành.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Cùng với sự phát triển của thai nhi, hầu hết các mẹ sẽ cảm thấy khỏe hơn một chút và chứng buồn nôn bắt đầu giảm dần. Nhưng có thể mẹ sẽ bị táo bón do sự thay đổi hormone, làm giảm khả năng tiêu hóa và chứng ợ nóng cũng do hormone, làm giãn van giữa dạ dày và thực quản của bạn. Đừng khó chịu, hãy nhớ rằng mẹ đang mang một điều kỳ diệu bên trong cơ thể.
Đừng lo lắng nếu bạn không thể ăn nhiều món bổ dưỡng hoặc chưa tăng cân do ốm nghén vì hầu hết phụ nữ chỉ tăng khoảng 1 hoặc 2 kg trong 3 tháng đầu. Mẹ sẽ sớm thấy ngon miệng trở lại và bắt đầu tăng khoảng gần nửa ký mỗi tuần.
Lời khuyên của một mẹ có kinh nghiệm: “Nếu đi khám bác sĩ, bạn nên đặt lịch hẹn trước và đến phòng khám lấy số trước từ sáng. Làm như thế bạn sẽ không phải mất thời gian chờ đợi lâu” – Mai Hương, 30 tuổi, TP.HCM cho biết.
Gợi ý cho tuần này:
Mẹ nên gặp gỡ các bà mẹ khác. Họ có thể cho lời khuyên, dành cho mẹ sự cảm thông và chia sẻ kinh nghiệm. Mẹ cũng có thể tìm được nhiều sự hỗ trợ từ bà ngoại đấy! Nếu không biết bắt đầu thế nào, mẹ có thể hỏi bà ngoại hoặc bạn bè về những kinh nghiệm khi họ mang thai.
(theo marrybaby.vn)
Xem tiếp: tuần thứ 11