Mách mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn nhất

Để biết cách chăm sóc em bé khi mới sinh mẹ cần biết những điều sau:

Cách cho bé bú mẹ

Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển toàn diện. Sau 1h sinh, mẹ có thể cho bé bú ngay ngoại trừ mẹ sinh mổ hoặc quá mệt. Với lần đầu, mẹ có thể gặp bỡ ngỡ và khó khăn khi cho bé ăn, nhưng đừng lo lắng bởi mẹ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người thân hoặc nhân viên y tế.

Bằng cách đặt bé nằm nghiêng một bên hoặc mẹ bế bé, quay mặt và cằm áp sát vào vú mẹ, giúp bé há miệng to để ngậm trọn núm vú.

Mẹ nên cho trẻ bú khoảng 8-12 lần trong 24 giờ đầu. Không cần phải tuân theo lịch trình nghiêm ngặt, bất cứ khi nào bé có dấu hiệu đói mẹ hãy cho bé ăn. (Ảnh minh họa)

Thay tã cho bé

Trẻ khi mới sinh, bú sữa mẹ nhiều nên việc thay tã thường xuyên khoảng 10 lần/ ngày cho con là bình thường.

Chuẩn bị tã vải mềm, hoặc bỉm cho trẻ sơ sinh, nước ấm, khăn lau sạch và thuốc chống hăm cho trẻ.

Trước tiên, mẹ cẩn thận tháo tã bẩn, dùng khăn nước ấm lau bộ phận sinh dục cho bé. Mở tã mới, nhẹ nhàng nâng bàn chân của em bé và đặt tã xuống dưới, di chuyển mặt trước của tã lên giữa hai chân, trên bụng, sau đó cố định tã.

Mẹ phải tao tác nhanh, nhất là vào mùa đông để bé không bị lạnh.

Cách tắm cho bé

Da của trẻ mới sinh rất mềm, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm trùng. Việc tắm rửa giúp làm sạch, loại trừ các vi khuẩn có hại trên da của bé.

Thời gian tắm tốt nhất là vào khoảng từ 12h đến 14h, trước khi cho ăn 30 phút, tránh cho bé bị trớ nếu như vừa cho bé ăn xong. Nhiệt độ trong phòng khi tắm cho bé nên ở khoảng 28 độ C.

Nếu mẹ gặp khó khăn trong lần đầu, hãy nhờ sự giúp đỡ của người nhà bằng cách một người nâng, một người tắm cho bé. Sử dụng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh và tuyệt đối không để dính vào mắt bé.

Rửa bằng tay hoặc dùng khăn lau nhẹ nhàng cho bé từ trên xuống dưới và từ trước ra sau. Vệ sinh cơ thể, bộ phận sinh dục, da đầu, tóc…

Bế ẵm trẻ sơ sinh

Mẹ nên bế ẵm trẻ sau vài giờ sinh để bé cảm nhận sự ấm áp từ mẹ. Ở giai đoạn này, cổ và xương của bé vẫn rất non nớt, mẹ nên bế bé theo phương nằm ngang bằng cách đỡ phần đầu của bé lên trước, sau đó luồn tay đỡ lấy phần cổ của bé lên, dùng tay còn lại nâng phần mông và lưng của con lên một cách nhẹ nhàng, sau đó ôm bé vào lòng.

Mẹ cũng có thể giữ em bé bằng cách đặt bé nằm trên bụng, một tay giữ cơ thể tay còn lại giữ phần cổ bé. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên để bé nằm tư thế này quá nhiều, khiến bé tức bụng.

Cách vệ sinh dây rốn

Thông thường, dây rốn của trẻ sẽ thay đổi màu sắc từ màu vàng nhạt sang màu nâu đen, khi khô sẽ tự rụng sau 2 tuần. Điều quan trọng nhất là mẹ cần chăm sóc và vệ sinh đúng cách để trẻ không bị nhiễm trùng.

Trước khi vệ sinh cho bé, mẹ hãy vệ sinh tay sạch sẽ, dùng nước ấm lau nhẹ nhàng sau đó thấm sạch nước bằng vải khô và băng cẩn thận. (Ảnh minh họa)

Nếu dây rốn chưa rụng, lại có dấu hiệu sưng đỏ, mưng mủ, mẹ nên nhanh chóng cho bé tới bệnh viện để kiểm tra.

Cách dỗ dành bé

Nếu bé hay quấy khóc, mẹ nên kiểm tra tã bởi đây có thể là nguyên nhân khiến bé khó chịu. Ngoài ra, đây có thể là biểu hiện khi bé đói, buồn ngủ… Mẹ hãy nhẹ nhàng vuốt ve sau lưng và hát ru cho bé.

Tránh sốc hoặc đung đưa bé lên cao, điều này ảnh hưởng tới não bộ và sự phát triển của trẻ khi trưởng thành.

Khi nào mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ

- Bé đi vệ sinh quá nhiều dẫn tới việc cơ thể mất nước, quấy khóc và bỏ ăn

- Khi bé gặp các vấn đề hô hấp

- Khi dây rốn có dấu hiệu sưng đỏ, mưng mủ có mùi hôi hoặc chảy máu

- Các triệu chứng khác như: ho dai dẳng, tiêu chảy, nôn mửa nhiều lần hoặc ăn ít hơn khoảng 6 lần/ ngày.

Trên đây là tổng hợp cách chăm sóc em bé khi mới sinh mà mọi người mẹ đều cần phải nhớ. Hãy lưu ngay vào sổ tay để chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày đầu làm mẹ nhé!

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận